Trên MXH gần đây bắt gặp nhiều bạn chia sẻ bài viết của một thầy giáo dạy Hóa nào đó cho rằng “năm 1945, 90% người Việt Nam mù chữ và đương nhiên không được học môn lịch sử, nhưng Cách mạng Tháng Tám vẫn diễn ra thành công đó thôi. Yêu nước không có nghĩa là phải học lịch sử”. Bài viết nhanh chóng nhận được sự phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng.
Độc giả Phạm Hân cho rằng: “Người dân mù chữ chứ không mù sử nghe thầy, thầy nhiều chữ nhưng thầy đang mù nhiều thứ lắm”. Hay độc giả Tam Trang Nguyen bình luận rằng: “Đúng là phát biểu của giáo viên hóa này chán thật! Cạn lời”.
Buồn thay cho một người gọi là thầy giáo lại có nhận thức như vậy! Học lịch sử cũng là một quá trình thu nạp để chuyển hóa nhận thức và từ đó khơi nguồn được sức mạnh của một dân tộc, bằng tinh thần yêu nước và sự cố kết của mỗi người dân hợp lại.
Học môn Lịch sử không chỉ giúp chúng ta biết được những mốc thời gian và các sự kiện đã diễn ra. Mà môn Lịch sử còn giúp chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa của các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta. Đặc biệt, giúp chúng ta thấu hiểu được những khổ cực của cha ông ta trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, từ đó, rèn luyện cho chúng ta ý trí vươn lên, sự quyết tâm khi gặp phải những trở ngại trong cuộc sống; đồng thời, khơi gợi cho chúng ta lòng yêu nước mỗi khi nhắc đến các trang sử vẻ vang đó. Đấy mới là ý nghĩa cốt lõi của việc học môn lịch sử.
Các nhà cách mạng tiền bối, như Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh..., khi kêu gọi toàn dân vùng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc cũng bắt đầu từ lịch sử. Phan Bội Châu có tác phẩm Việt Nam vong quốc sử, Việt Nam sử khảo; Hồ Chí Minh có Lịch sử nước ta và biết bao tài liệu tuyên truyền về tuyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Các tài liệu đó được lưu truyền công khai, hoặc bí mật trong quần chúng nhân dân, đó là một cách "dạy và học" lịch sử trong điều kiện nước ta còn dưới ách nô lệ và khi mà trong các Trường học lúc bấy giờ, người Việt còn phải học “tổ tiên chúng ta là người Goloa” (!!), 90% dân ta còn mù chữ.
Chẳng lẽ bây giờ con em chúng ta cũng phải học lịch sử như thế, khi đất nước ta đã trên con đường theo kịp với những quốc gia tiên tiến, lại có một hệ thống giáo dục đàng hoàng, sao lại phải bỏ, bớt hay tự mày mò như thế. Hơn nữa những tác động lai căng trong xã hội ngày nay, tính thực dụng và thói ích kỷ đang tấn công ráo riết vào mỗi con người, mà lớp trẻ là đối tượng hàng đầu của nó, thì việc "tự chọn" một môn học không trực tiếp đẻ ra tiền bạc, liệu còn ai "tự chọn" học môn lịch sử? Thực tế đó đặt ra: môn lịch sử cần phải được học hết cấp phổ thông như một trách nhiệm cho mọi học sinh, để thẩm thấu và hình thành nhận thức vững chắc trong hành trang của tuổi trẻ khi bước vào đời.
Thầy nói cũng có cái đúng. Đó là yêu nước chưa chắc là đã hiểu hết lịch sử VN , và thuộc lịch sử chưa hẳn đã yêu nước . Nhưng thầy ko hiểu học lịch sử là để tri ân để biết ơn những người đi trước đã ng.ã xuống vì đất nước để cho chúng ta được hưởng thái bình như hôm nay. Đó là một truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của con người Việt Nam.
Là người "đưa đò", xin đừng tư duy theo lối "cất đò" như thế. Hãy tư duy cho rộng ra thêm nữa để thấy được bầu trời này bao la lắm và chiều sâu tạo nên sức mạnh cho dân tộc này không nông nổi như thầy lầm tưởng đâu.