Chủ đề về bà Nguyễn Phương Hằng chưa bao giờ hết nóng trên các diễn đàn mạng xã hội, dù đã giảm nhiệt rất nhiều so với trước đây, nhưng với những gì đang diễn ra thì những thông tin liên quan đến bà Phương Hằng vẫn là những luồng thông tin cuốn hút dư luận. Và trong một diễn biến mới nhất, bà Nguyễn Phương Hằng đã phải nhận “liên hoàn cước” đến từ cơ quan chức năng.
Cú cước đầu tiên đến từ lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh. Khi ngày 24/3/2022, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Thông báo nêu rõ bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên Internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Quá trình điều tra, bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại TP.HCM và các địa phương khác
Không dừng lại ở đó, sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam gần 1 tháng, thì ngày 22/4/2022, đến lượt Công an tỉnh Bình Dương lên tiếng. Công an tỉnh Bình Dương cũng đã khởi tố vụ án với cùng tội danh để làm rõ đơn tố cáo của một số cá nhân đối với bà Hằng. Theo đó, bà Hằng tiếp tục bị khởi tố với hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ Luật hình sự.
Màn liên hoàn cước đến từ cơ quan chức năng đối với bà Phương Hằng như một lời tạm biệt hùng hồn gửi đến những ai đã, đang và sẽ tiếp tục ca ngợi, ủng hộ Nguyễn Phương Hằng. Nhưng không sao, đó là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của con người. Chúng ta có quyền tin vào những gì chúng ta nghĩ. Tuy nhiên, có một sự thật rõ ràng là, số văn nghệ sĩ, nhà báo mà mọi người cho rằng “có vấn đề” sẽ tiếp tục được sống vui vẻ tận hưởng những tháng ngày bình yên sau đại họa Phương Hằng.
Và giờ đây, sẽ không còn những màn livestream hoành tráng chửi bới, miệt thị con người. Và những ai với ý tưởng manh nha muốn nổi tiếng bằng việc nhục mạ người khác trên mạng xã hội thì hãy dè chừng. Bởi pháp luật Việt Nam sẽ không dung tha cho những hành vi như vậy. Nhưng nhìn lại, đâu đó vẫn là một mớ hỗn độn về lòng tin và nhận thức của con người. Quyền tự do ngôn luận trở nên méo mó và có lẽ sẽ tiếp tục bị lợi dụng để cổ súy cho những hành vi tương tự. Nhưng từ vụ việc bà Phương Hằng cũng là bài học cho tất cả những ai dám coi thường pháp luật. Hãy tỉnh táo và sử dụng quyền tự do ngôn luận một cách đúng đắn, văn minh nhất. Sau bà Phương Hằng rất có thể một loạt giang hồ mạng sẽ tiếp tục là chủ đề nóng trên các trang báo cả báo chính thống và mạng xã hội. Khi những ảnh hưởng tiêu cực từ giang hồ mạng đã làm cho nhận thức của một bộ phận không nhỏ trẻ vị thành niên cổ súy và ủng hộ.
Ai đúng, ai sai thì đã có pháp luật phán xử, với một nhà nước pháp quyền thì mọi hành vi đều được pháp luật điều chỉnh, không ai có quyền chà đạp và đứng trên pháp luật. Với những gì đang diễn ra thì mỗi người dân trong chúng ta có quyền kỳ vọng về một đất nước phát triển khi những giá trị của con người, những điều đúng đắn, tính nhân văn của con người luôn được pháp luật bảo vệ./.