(Bài viết của 2 CCB Mỹ, Marjorie Cohn và Jonathan Moore trên Tạp chí trực tuyến Nghiên cứu toàn cầu, Ngô Mạnh Hùng biên dịch).
Xem series phim với tổng thời lượng 18 giờ đồng hồ của 2 đạo diễn Ken Burns-Lynn Novick, "The Vietnam War", cho dù bạn phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh hay là người biểu tình đòi chấm dứt nó, bạn cũng không thể cảm thấy cuốn hút, dù cho những cảnh chiến đấu rất mạnh mẽ, với những câu chuyện của các cựu chiến binh Mỹ và những người lính Việt Nam chiến đấu trên 2 chiến tuyến.
Số người thương vong do chiến tranh gây ra là rất kinh hoàng. Với trên 58.000 người Mỹ và từ 2 đến 3 triệu người Việt Nam, nhiều người trong số họ là thường dân, đã bị giết. Không có số liệu về những người bị thương được công bố. Nhiều cựu chiến binh Mỹ sau chiến tranh đã phải chịu đựng chứng rối loạn tâm lý sau chấn thương. Số chiến binh Mỹ tự sát sau chiến tranh còn nhiều hơn số bị chết trong chiến tranh. Tuy nhiên, những con số này cũng chưa phản ánh được câu chuyện hoàn chỉnh về chiến tranh Việt Nam.
HOA KỲ ĐÃ THỰC HIỆN MỘT CUỘC CHIẾN TRANH HÓA HỌC
Một trong những thiếu sót nghiêm trọng nhất của bộ phim, là nó đã không phản ánh sự tàn phá khủng khiếp của việc quân đội Hoa Kỳ phun thuốc diệt cỏ chết người có chứa dioxin độc hại trên khắp đất nước Việt Nam, với loại chất độc phổ biến nhất là chất màu da cam. Đây là một trong những di sản bi thảm nhất của chiến tranh. Tuy nhiên, ngoài một vài đề cập ngắn gọn, thì các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cả Việt Nam và Mỹ, đã không được nhắc đến trong bộ phim này. Điều quan trọng hơn nữa là nó không hề đề cập đến những tác hại do chương trình chiến tranh hóa học này gây ra.
Chất da cam/dioxin là một loại hóa chất diệt cỏ do các công ty hóa chất Hoa Kỳ như Dow và Monsanto sản xuất và được quân đội Hoa Kỳ phun xuống Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971. Dioxin là một trong những chất độc hại nhất được biết đến đối với con người. Khoảng 3 triệu người Việt Nam và hàng ngàn lính Mỹ cùng đồng minh đã bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin.
Chính phủ Mỹ hiểu rõ việc sử dụng chất độc làm vũ khí chiến tranh đã bị pháp luật quốc tế nghiêm cấm trước khi nó được sử dụng ở Việt Nam. Trên thực tế, chính phủ Hoa Kỳ đã che giấu một báo cáo năm 1965, được gọi là nghiên cứu Bionetics, cho thấy dioxin gây ra nhiều dị tật bẩm sinh ở động vật thí nghiệm. Chỉ cho đến khi kết quả của nghiên cứu đó bị rò rỉ, thì việc sử dụng chất da cam/dioxin mới được dừng lại.
TÁC HẠI KHÔN LƯỜNG
Những người tiếp xúc với chất độc da cam/dioxin thường sinh ra những đứa con bị bệnh nặng và tàn tật. Đã có một sự nhất trí không chính thức trong cộng đồng khoa học quốc tế rằng việc tiếp xúc với chất da cam/dioxin sẽ gây ra một số dạng ung thư, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch và nội tiết, cũng như gây tổn thương hệ thống thần kinh. Những nạn nhân thế hệ thứ hai và thứ ba tiếp tục được sinh ra ở Việt Nam, cũng như các cựu chiến binh Mỹ và người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ. Đối với nhiều người trong số họ và con cháu của họ, nỗi đau khổ vẫn tiếp tục.
Mai Giang Vũ đã tiếp xúc với Chất Da Cam trong thời gian phục vụ trong quân đội miền Nam Việt Nam. Anh ta mang theo những thùng chất độc hóa học phun lên các cánh rừng. Để rồi các con trai của anh ta không thể đi lại hoặc hoạt động bình thường. Chân tay của họ dần dần bị "cuộn tròn" và họ chỉ có thể bò. Khi 18 tuổi, họ đã nằm liệt giường. Một người chết ở tuổi 23, người kia ở tuổi 25.
Bà Nga Trần , một phụ nữ người Pháp gốc Việt, từng làm việc tại Việt Nam với vai trò phóng viên chiến tranh, đã có mặt ở đó khi quân đội Mỹ bắt đầu phun các chất làm rụng lá cây. Một đám sương mù lớn chất độc đã trùm lên cô. Ngay sau khi con gái chào đời, da của đứa trẻ bắt đầu rụng xuống, nó không thể chịu đựng được sự tiếp xúc cơ thể với bất cứ ai. Đứa trẻ không bao giờ có thể lớn lên, nó chỉ được 6,6 cân - chỉ bằng trọng lượng sơ sinh - cho đến khi nó qua đời khi mới được 17 tháng. Con gái thứ hai của Nga bị bệnh thalassemia alpha, một chứng rối loạn về máu di truyền hiếm thấy ở Châu Á. Nga cũng đã chứng kiến một phụ nữ sinh ra một "quả bóng" không có hình dạng con người, cùng nhiều trẻ em sinh ra mà không có bộ não, hoặc mù câm điếc bẩm sinh. Có những nạn nhân chưa bao giờ có thể đứng lên, họ chỉ có thể bò, bấu víu mà không thể ngẩng đầu lên.
Rosemarie Hohn Mizo là góa phụ của George Mizo, người đã chiến đấu cho Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sau khi từ chối tham gia trở lại Việt Nam lần thứ ba, Mizo bị truy tố, và bị tống giam 2 năm rưỡi. Trước khi chết vì các bệnh liên quan đến chất độc da cam, Mizo đã giúp thành lập Làng Hữu Nghị, nơi các nạn nhân Việt Nam sống trong một môi trường được hỗ trợ.
Tiến sĩ Jeanne Stellman, người viết bài báo "Chất độc Da cam trong tự nhiên" đã nói: "Đây là thảm hoạ môi trường lớn nhất mà không được quan tâm trên thế giới".
Tiến sĩ Jean Grassman, Đại học Brooklyn, New York, nói rằng dioxin là một chất gây biến dị tế bào rất mạnh, làm thay đổi hệ thống di truyền và phá vỡ nhiều hệ thống cơ thể. Bà cho biết trẻ em rất nhạy cảm với dioxin, và việc tiếp xúc với dioxin có trong tử cung hay giai đoạn hậu sản có thể dẫn đến việc thay đổi chức năng miễn dịch, hoạt động thần kinh và hoóc môn. Phụ nữ gây phơi nhiễm cho con của họ do dioxin có trong tử cung và qua bài tiết dioxin trong sữa mẹ.
Trên đây chỉ là một số nhân chứng đã làm chứng tại Toà án Quốc tế về Tội phạm chống lại nhân loại, hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, tổ chức tại Paris vào năm 2009.
LỜI HỨA VỀ MỘT SỰ BỒI THƯỜNG HẠN CHẾ
Trong Hiệp định Paris năm 1973, chính quyền Nixon cam kết sẽ đóng góp 3 tỷ USD để bồi thường và tái thiết sau chiến tranh ở Việt Nam. Lời hứa đó đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Năm 2004, cựu chiến binh Mỹ và các nạn nhân Việt Nam đã cùng kiện các công ty hoá chất đã cố ý sản xuất chất da cam và các chất diệt cỏ khác mà họ biết có chứa dioxin gây chết người. Các nạn nhân bị ngăn cản kiện chính phủ Hoa Kỳ vì quy định của pháp luật không hồi tố đối với các quyết định của chính phủ. Mặc dù họ đồng ý đền bù cho các cựu chiến binh Mỹ trong một vụ kiện trước đó về một số bệnh tâm thần do tiếp xúc với chất da cam và các chất diệt cỏ khác, nhưng chính phủ Hoa Kỳ và các công ty hóa chất vẫn bảo vệ lý lẽ của họ trước tòa án cho đến tận ngày nay rằng không có bằng chứng chứng minh mối liên hệ giữa phơi nhiễm chất độc màu da cam với bệnh tật.
Những nỗ lực của các nhóm cựu chiến binh và những người ủng hộ đã đem lại một kế hoạch bồi thường do Cơ quan Cựu chiến binh Mỹ điều hành. Hàng năm, hàng ngàn đô la được chi trả cho các cựu chiến binh Mỹ, những người có thể chứng minh họ đã ở trong một khu vực bị ô nhiễm dioxin của Việt Nam và mắc một căn bệnh liên quan đến việc tiếp xúc với Chất Da cam.
Thật không may, những người Việt Nam đã tiếp xúc với Chất độc Da cam với một quy mô chưa từng có trong chiến tranh hiện đại đã bị bỏ qua. Việc không đưa nội dung lịch sử này vào loạt phim của Burns/Novick là một sự vô lý. Thật vậy, mọi người có thể nhận thấy ngay cả việc đề cập ít ỏi đến chất độc da cam trong loạt phim này cũng nhằm gây ra sự hiểu nhầm nghiêm trọng. Ví dụ, trong tập cuối cùng, người thuyết minh ghi nhận chiến dịch phun rải chất độc da cam nhưng lại thực hiện trên nền hình ảnh xanh tươi với những vụ mùa dồi dào.
Hành động của chính phủ Hoa Kỳ và các nhà sản xuất chất độc da cam cùng các chất diệt cỏ chết người khác của Hoa Kỳ là những hành động phi đạo đức. Chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ dọn dẹp dioxin tại sân bay Đà Nẵng, nhưng đó chỉ là một trong 28 "điểm nóng" vẫn còn bị nhiễm dioxin. Và ngay cả nỗ lực này cũng bỏ qua những thiệt hại gây ra cho người dân sống ở đó, phải ăn các loại cây trồng, thịt động vật và cá từ khu vực xung quanh. Tất cả những điểm nóng này cần được khắc phục.
ĐẠO LUẬT CỨU TRỢ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM 2017
Nghị sỹ Barbara Lee (đảng Dân chủ, bang California) đã trình HR 334, Đạo luật cứu trợ nạn nhân chất độc da cam năm 2017, với sự ủng hộ của 23 nghị sỹ khác. Dự luật đề ra trách nhiệm dọn dẹp xử lý dioxin và ô nhiễm asen vẫn còn tồn tại ở một số vùng Việt Nam. Nó sẽ hỗ trợ hệ thống y tế công cộng ở Việt Nam, hướng tới 3 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Nó cũng sẽ mở rộng hỗ trợ cho con cái bị ảnh hưởng của cựu chiến binh nam giới Mỹ, những người bị cùng những khuyết tật bẩm sinh đã được bảo hiểm như con cái của các nữ cựu chiến binh. Nó cho phép nghiên cứu về mức độ các bệnh liên quan đến chất độc da cam trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt và hỗ trợ họ. Cuối cùng, nó sẽ hỗ trợ phòng thí nghiệm và nghiên cứu dịch tễ học về tác động của chất độc màu da cam.
Hãy liên hệ với các nghị sỹ đại diện của bạn và yêu cầu họ đăng ký ủng hộ HR 334. Bồi thường một cách có hiệu quả cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin là một yêu cầu của đạo đức.
Fb Hùng Ngô Mạnh