Sáng nay 30/6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Hội nghị nhằm đánh giá thực chất kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua và sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới. Trong đó, hội nghị cũng đã nhấn mạnh việc các thế lực thù địch lợi dụng các vụ việc tham nhũng để xuyên tạc, tuyên truyền sai sự thật về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Cho đến nay có thể khẳng định vụ Việt Á là một đại án với gần 70 bị cáo nguyên là cán bộ công chức nhà nước, trong đó có 02 người nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng và đến nay vụ án vẫn đang được tiếp tục mở rộng điều tra. Vụ án trở thành miếng mồi ngon cho thủ đoạn “truyền thông bẩn” nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam của các đối tượng xấu, thế lực thù địch với đủ loại tình tiết “đơm đặt”, thuyết âm mưu “thanh trừng nội bộ”, cho rằng bản chất chế độ này là “độc quyền” đẻ ra tham nhũng chứ không phải chống tham nhũng, tiêu cực đâu, hay những màn khóc lóc sướt mướt tố cáo, đánh đồng cán bộ, đảng viên đều giống nhau, y như các can phạm vụ Việt Á,…
Chẳng hạn như trên trang Tiếng Dân News ngày 8/6/2022 có bài viết “Cơ chế “dân chủ tập trung” của các ông có vấn đề” hay ngày ngày 15/6/2022 “Vụ Việt Á là một đại án giết người có tổ chức” xuyên tạc rằng vụ Việt Á là “một kịch bản lừa đảo hoàn hảo”, là “kế hoạch giết người có tổ chức, của cả một hệ thống đảng viên CSVN, từ thượng tầng quốc gia xuống cho tới hàng “tép riu” là ông chủ Việt Á”, chống tham nhũng chỉ là hình thức phổ diễn, nguyên tắc vận hành tập trung dân chủ là nguồn căn sai phạm, muốn chống thực sự phải xóa bỏ chế độ. Ý đồ của kẻ viết đều nhắm đến mục tiêu bôi đen công cuộc phòng, đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam; xuyên tạc sự thật về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trước hết, phải khẳng định rằng đại án Việt Á cho thấy sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, chẳng có luận cứ nào để nói rằng đấu tranh chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo ở Việt Nam là tranh giành quyền lực, là đấu đá nội bộ… nhưng cứ mỗi khi có một cán bộ lãnh đạo vi phạm pháp luật và kỷ luật Đảng thì các thế lực thù địch lại đồng thanh đổ lỗi, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và bôi lem hàng chục triệu cán bộ, đảng viên “đều như nhau” cả, rằng “hiện thời, có chỗ nào, cơ quan nào, lãnh vực nào còn “trong sạch” ở Việt Nam.
Thứ hai, xử lý gần 70 người nguyên là cán bộ, đảng viên cũng cho thấy chủ trương quyết liệt, không vùng cấm trong chống tham nhũng, tiêu cực trong cả hệ thống chính trị những năm gần của Đảng, Nhà nước đây là đúng đắn. Có như vậy thì nội bộ Đảng, Nhà nước mới trong sạch và làm tăng niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thứ ba, cũng không thể vì “đại án Việt Á” mà cho rằng ở Việt Nam “cả guồng máy trục lợi và hệ thống quan chức suy thoái”. Sự thật thì Việt Á và những cá nhân, cơ quan đơn vị liên quan đến vụ tham nhũng này vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra nghiêm túc và sẽ có kết luận rõ ràng. Dù hệ lụy của Việt Á là lớn nhưng lợi dụng vụ việc Việt Á để “truyền thông bẩn” nhằm công kích, xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ; hay cho rằng đó là “một đại án giết người có tổ chức, của cả một hệ thống đảng viên CSVN, từ thượng tầng quốc gia xuống cho tới hàng “tép riu” là ông chủ Việt Á” thì đều là suy diễn và quy chụp. Đây chính là chiêu trò mượn Việt Á, nhân vụ Việt Á để kích động dư luận xã hội, gây hoang mang trong cộng đồng.