Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 đã diễn ra tại Singapore sau hai năm xảy ra đại dịch Covid-19. Có lẽ một trong những vấn đề được quan tâm, tranh luận nhiều nhất tại Đối thoại này là tác động của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra còn các vấn đề như: Liệu AUKUS (thỏa thuận quốc phòng giữa Australia, Anh, Mỹ) có thực sự cung cấp tàu ngầm tấn công hạt nhân cho Australia? Nhật Bản sẽ tăng chi tiêu quốc phòng đến mức nào? Lực lượng tuần duyên Mỹ có mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương và Biển Đông?
Giới chuyên gia cũng quan tâm đến việc Trung Quốc và Mỹ gia tăng cạnh tranh ra sao? Rồi vấn đề liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc)… Chỉ chừng đó thôi đã cho thấy tính phức tạp và mức độ khó khăn trong việc quản lý các cơn "địa chấn" có thể bùng phát ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh như vậy, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã một lần nữa nhấn mạnh "nền quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ".
"Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình; không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".
Chính sách quốc phòng "bốn không" này đã được chúng ta tuyên bố công khai từ nhiều năm nay. Và trong lúc thế giới biến động và cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt, càng thấy rõ tính sáng suốt của chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ của Việt Nam. Chúng ta không gây chiến với ai, không xâm lược nước nào, nhưng tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống hòa bình của nhân dân; và để giữ quyền tự vệ, giáng trả mạnh mẽ khi bị tấn công.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nêu rõ vấn đề này tại Đối thoại Shangri-La, đó là: "Trong khi xu thế hòa bình, hợp tác phát triển luôn là mong muốn chung của nhân loại, thì cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn tiếp tục xảy ra. Do vậy, việc nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực sự là đòi hỏi tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc"…
Nhìn trong lịch sử cũng như thực tế hiện nay cho thấy, không phải lúc nào Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế cũng được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc. Những khác biệt lớn về toan tính chính trị, tranh giành quyền lực, lợi ích chiến lược giữa các cường quốc; nước lớn sẵn sàng hy sinh lợi ích của nước nhỏ. Do đó, chúng ta cần xây dựng quân đội, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, hiện đại hóa vũ khí, trang bị, tổ chức biên chế tinh, gọn, mạnh, ứng phó yêu cầu chiến tranh hiện đại trong điều kiện mới; đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; "chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa".
Thông điệp hòa bình trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ta cũng được nêu rõ, qua việc khẳng định Việt Nam chủ trương tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược với các nước. Chúng ta luôn mong muốn mở rộng hợp tác quốc phòng, để nâng cao khả năng bảo vệ Tổ quốc, cùng các nước giải quyết các thách thức an ninh chung, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của thế giới, khu vực và cộng đồng quốc tế.
Trong bài viết trên báo Dân Trí trước đây, tôi đã đề cập đến việc hiện nay quan hệ ngoại giao nhà nước Việt Nam đã "phủ sóng" tới 189 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc. Quan hệ đối ngoại quốc phòng ngày càng rộng mở với gần 100 quốc gia thuộc cả 5 châu lục, đặc biệt Việt Nam có quan hệ quốc phòng với tất cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Đây là thuận lợi chưa từng có, là cơ hội để Việt Nam ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước và quân đội trên trường quốc tế.
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002, là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh, chuyên gia, học giả thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương; qua đó lắng nghe, nghiên cứu, nắm bắt chiến lược của từng quốc gia.
Đối thoại Shangri-La năm nay thu hút sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đến từ nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới; qua các phiên thảo luận, Thủ tướng Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc… đã đăng đàn.
Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam trình bày tại phiên toàn thể thứ 4, đã thu hút sự theo dõi đặc biệt và được các đại biểu, diễn giả, các nhà quan sát quốc tế đánh giá cao. Thông điệp "hòa bình và tự vệ" của Việt Nam một lần nữa được khẳng định trên diễn đàn quốc tế, góp phần tích cực vào việc xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.