Thời gian qua, mạng xã hội đã từng xuất hiện không ít bài viết xuyên tạc mục đích, nội dung, kết quả và ý nghĩa cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong Đảng, trong hệ thống chính trị ở Việt Nam. Trong đó nhiều đối tượng xấu đã lan truyền luận điệu cho rằng “muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải thay đổi thể chế hiện nay tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng tham nhũng không của riêng một chế độ cụ thể nào, mà là sản phẩm chung. Tham nhũng không chỉ xảy ra ở những nước có chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo như Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là một hiện tượng phổ biến, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng cớ rõ ràng nhất là các nước Châu Âu, Tư bản chủ nghĩa, kể cả các nước có nền kinh tế phát triển thì tham nhũng vẫn diễn ra, thậm chí có nước còn ở ngưỡng đáng báo động.
Và một khi không phải sản phẩm riêng của từng chế độ thì không nhất thiết phải loại bỏ hay thay thế nó và cần có những giải pháp mang tính thích ứng, điều hòa, có được những cơ chế đủ mạnh để ngăn chặn, phòng chống tham nhũng.
Có thể thấy thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam ngày càng được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đã tạo được sức răn đe, cảnh tỉnh lớn. Những kết quả đạt được trong công tác phòng và chống tham nhũng những nhiệm kỳ gần đây, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng là không thể phủ nhận.
Luận điệu cho rằng tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam là một sự quy chụp, xuyên tạc, vô căn cứ. Những luận điệu này sẽ tác động xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của nhiều người nhẹ dạ cả tin hoặc nhận thức chính trị còn non kém, gây hoang mang trong dư luận. Do đó, việc đấu tranh phản bác các luận điệu phá hoại công tác phòng chống tham nhũng như vậy là hết sức cần thiết./.