Những dịch vụ mạng xã hội tại Đức để xảy ra tình trạng người dùng chửi bới, gây thù chuốc oán sẽ đối mặt với án phạt lên đến 60 triệu USD.
Bắt đầu từ ngày 1/1, Đức sẽ áp dụng luật mới hà khắc hơn về kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội. Mức phạt tối đa có thể lên tới 60 triệu USD nếu bình luận bị đánh dấu vi phạm không được gỡ bỏ trong 24 giờ.
Quy định mới của Đức áp dụng cho nhiều trang mạng xã hội, gồm cả Facebook, Twitter và YouTube. Bất cứ trang mạng xã hội nào có hơn hai triệu tài khoản người dùng sẽ nằm trong phạm vi áp dụng của luật mới. Các trang thông dụng như Reddit, Tumblr, Vimeo, Flickr cũng nằm trong diện này.
Đức áp dụng quy định kiểm duyệt nội dung nghiêm khắc với mạng xã hội. |
Luật Netzwerkdurchsetzungsgesetz (NetzDG) được thông qua từ hè năm ngoái và có hiệu lực từ tháng 10/2017. Tuy nhiên, Đức gia hạn 2 tháng cho các công ty để tự điều chỉnh việc kiểm duyệt. Và như vậy, luật NetzDG mới chính thức được áp dụng từ 1/1 năm nay.
Để đối phó với quy định nghiêm khắc hơn của chính quyền sở tại, nhiều trang mạng xã hội đã triển khai các biện pháp tình thế. Chẳng hạn, Facebook có thêm công cụ phát hiện tin tức giả mạo từ đầu năm 2017 tuy kết quả đạt được rất khiêm tốn.
Theo luật mới NetzDG, mức độ kiểm soát nội dung trên trang mạng xã hội được yêu cầu cao hơn nhiều. Các tổ chức nhân quyền lo ngại rằng điều này có thể dẫn tới kiểm duyệt khắt khe hơn, hạn chế tự do ngôn luận.
Thế nhưng, Đức không phải quốc gia duy nhất muốn kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội. Các nhà làm luật tại Anh từng phàn nàn nội dung trên mạng xã hội tiềm ẩn nguy cơ mất kiểm soát và cần có biện pháp hạn chế.
Đáp lại quy định mới của chính phủ Đức, phát ngôn viên YouTube cho biết hãng này đang triển khai giải pháp ngăn chặn các phát ngôn gây thù hằn và nội dung tiêu cực trên mạng xã hội, không chỉ tại Đức mà còn cả các thị trường khác.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh tay cho đội nhóm phụ trách và công nghệ giúp loại bỏ nhanh hơn và hiệu quả hơn các nội dung vi phạm, đồng thời hợp tác chặt chẽ với chính quyền, cơ quan chức năng, tổ chức xã hội dân sự và các doanh nghiệp liên quan”, phát ngôn viên YouTube cho biết.
Theo Zing